Chủ Nhật, 03/03/2024
Nữ ca sĩ theo đuổi âm nhạc cổ điển hé lộ góc khuất trong nghề
Hiền Nguyễn tâm sự cô không xuất thân là “con nhà nòi” nhưng theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc cổ điển.
Hiền Nguyễn tâm sự cô không xuất thân là “con nhà nòi” nhưng theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc cổ điển.
Hiền Nguyễn Soprano theo đuổi niềm đam mê âm nhạc cổ điển nhiều năm qua (Soprano là một loại giọng nữ có âm vực cao nhất trong tất cả các loại giọng của opera - PV). Cô tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (trước đây là Nhạc viện Hà Nội). Năm 2012, cô từng nhận học bổng chính phủ Ý, theo học 2 năm tại Nhạc viện Milan.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì nhận lời mời ở lại làm việc tại Nhà hát Olimpico ở Rome, cô đã chọn trở về nước để trở thành ca sĩ solo. Cô là ca sĩ nữ hiếm hoi có khả năng nói thành thạo 3 ngoại ngữ, gồm tiếng Ý, Anh và Pháp, ngoài ra có thể nói một chút tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha.
Từ chối lời mời làm việc tại Ý, Hiền Nguyễn Soprano trở về Việt Nam
Cô đã có nhiều concert cá nhân riêng như Belle duette 2015, Mộc miên 2018, Yêu 2021 và album Yêu và mơ 2021. Sau một thời gian trở về nước hoạt động giảng dạy thanh nhạc và biểu diễn chuyên nghiệp, mới đây cô đã tổ chức buổi hòa nhạc La passione vào ngày 1/3/2024 cùng hai khách mời Pianist quốc tế - Giáo sư Gianni Kriscak và ca sĩ Quốc Đạt. Nhân dịp này, Hiền Nguyễn đã có những chia sẻ cùng chúng tôi về quá trình theo đuổi niềm đam mê nhạc cổ điển.
"Bố mẹ phải bán cả đàn lợn để có tiền cho tôi lên Nhạc viện học"
- Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, chị có nhận thấy đến hiện tại, âm nhạc cổ điển vẫn rất kén khán giả tại Việt Nam?
- Âm nhạc cổ điển kén khán giả ở tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Ngay cả ở Ý, opera bây giờ cũng rất khó sống. Nhiều nghệ sĩ đang học nhạc cổ điển đã chuyển sang hát semi classic – bán cổ điển. Tôi nói ra điều này không phải để người học nhạc chuyển hướng mà đó là thực trạng như vậy. Nhưng một khi đã yêu rồi thì vẫn có những cộng đồng người ta vẫn yêu, vẫn tìm hiểu về nó. Ở Ý, họ đã có những giai đoạn opera phát triển rực rỡ trong thế kỷ 18-19. Việt Nam còn chưa có lúc nào opera rực rỡ. Tôi tin rằng ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục, sẽ có một lúc nào đó, opera sẽ phát triển cao trào.
- Hiện tại trụ được ở thị trường âm nhạc rất cạnh tranh như hiện nay đã rất khó rồi. Nhiều bạn sẽ nghĩ nếu không phải xuất phát điểm là con nhà nòi, có nhiều mối quan hệ thì một nghệ sĩ opera liệu có thể sống được với nghề?!
- Ngành nghề nào cũng vậy. Nhiều bạn cũng học chuyên ngành khác, không phải âm nhạc, nhưng rồi phải đổi nghề. Nhiều bạn sau này mới phát hiện ra niềm đam mê của mình. Đối với tôi, đam mê nhạc cổ điển rất dài, không phải ngày một ngày hai mà kéo dài tới nay đã mười mấy năm.
Bố mẹ tôi không hề làm việc liên quan tới âm nhạc. Gia đình không có truyền thống âm nhạc. Nhà tôi ngày xưa cũng rất nghèo. Bố mẹ còn phải bán cả đàn lợn để có tiền cho tôi lên Nhạc viện học. Khi đó nhà tôi ở ven đô. Xuất phát điểm không hề giàu có gì.
Bây giờ cuộc sống đã đủ đầy rồi nên tôi luôn cảm thấy biết ơn cuộc sống, biết ơn âm nhạc. Vì nhờ có âm nhạc giúp cho đời sống tôi bay bổng, hứng thú với cuộc sống, nhiệt huyết hơn với tất cả mọi điều xung quanh. Âm nhạc truyền cảm hứng cho tôi trong nhiều công việc khác. Như hiện nay, ngoài đi hát, tôi còn đi dạy, nghiên cứu khoa học, giờ thì viết sách. Vậy nên tôi nghĩ khi mình đam mê thật sự, muốn gắn bó với nó thì sẽ nhận được câu trả lời xứng đáng.
- Chị bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê nhạc Opera từ khi nào?
- Lúc ban đầu vào trường Nhạc viện, tôi vẫn chưa định hướng cho mình theo con đường nào. Tới năm thứ 2, tôi được học cô Bích Thủy, lúc đó cô vừa tốt nghiệp cao học tại Hàn Quốc về nước. Cô đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế và là hình mẫu theo đuổi âm nhạc Opera. Với tâm thế tôi thuộc lớp học sinh đầu tiên, cô rất nhiều lửa, có bao nhiêu cô trao hết, thổi bùng ngọn lửa đam mê sang học trò là tôi. Từ đó, tôi quyết tâm theo đuổi âm nhạc cổ điển. Đến năm 2012, tôi được học bổng toàn phần sang Ý. Tôi mới thấy đây chính là con đường mình sẽ đi đến cuối đời cho tới khi trút hơi thở cuối cùng.
Hiện tại tôi đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Tôi đi dạy từ khi tốt nghiệp tới giờ. Bên cạnh đó tôi làm các công trình nghiên cứu khoa học, như việc cùng với thầy Giáo sư Gianni Kriscak và cô Trịnh Thị Oanh cho ra mắt cuốn sách khảo cứu "Lịch sử Opera Ý" (phần 1) từ giai đoạn sơ khai đến đầu thế kỉ 18. Đó cũng là cách để tôi tiếp thêm lửa cho các bạn sinh viên.
Hiền Nguyễn trong buổi giới thiệu sách khảo cứu "Lịch sử Opera Ý" và concert "La passione"
- Thời gian trước, chị cũng chuyển hướng sang hát bán cổ điển. Phải chăng đó là vì chị muốn tiếp cận nhiều hơn tới khán giả?
- Đúng là như vậy. Định hướng tôi đặt ra vì muốn khán giả biết tới mình nhiều hơn. Thứ hai, tôi muốn thay đổi quan điểm của nhiều người cho rằng các bạn học cổ điển không thể hát được nhiều thể loại. Việc mình học cổ điển để trau dồi, nâng cao kỹ thuật. Khi áp dụng vào các thể loại khác, chỉ thay đổi một chút để tập trung là có thể hát được.
- Điều khó nhất với một nghệ sĩ opera khi Pop hóa opera hay hát cổ điển theo phong cách jazz là gì?
- Đó là sự mềm mại, uyển chuyển vì jazz là sự biến tấu, ngẫu hứng còn opera là mình phải làm theo bản nhạc.
- Trong quá trình học nhạc cổ điển, điều khó khăn nhất với chị là gì?
- Theo tôi đó là học ngôn ngữ. Khi học opera Ý, bạn phải học tiếng Ý. Bản thân tôi học song hành 2 trường, trong đó có trường ngoại ngữ mà mình vẫn thấy khó. Đó là rào cản với nhiều người.
"Khóc thì nhiều lắm, không có nước mắt không thể thành công"
Hiền Nguyễn trong buổi biểu diễn tối ngày 1/3 vừa qua tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
- Lý do chị từng từ chối làm việc tại Ý?
- Thời gian đó vì lý do gia đình nên tôi trở về Việt Nam. Cũng vì vậy mà tôi lỡ mất 2 năm cao học tại Ý. Nhưng tôi nghĩ đường học rất dài. Hiện tại tôi vẫn tiếp tục theo học Nghiên cứu sinh làm tiến sĩ. Có những lúc tôi rất tiếc nhưng tôi nghĩ đó là sự lựa chọn. Mình vẫn có những cách để tiếp tục thực hiện đam mê. Khi về nước, tôi vẫn làm việc với ngành mình đã chọn.
- Hoạt động, làm việc trong ngành nhạc cổ điển, chị có thấy những drama giống như trong “showbiz”?
- Thật ra ở đâu cũng có, môi trường văn phòng hay công sở, nhạc này hay nhạc khác. Tôi nghĩ mình cứ tập trung vào công việc, đừng để ý xung quanh. Tôi luôn tâm niệm hãy làm việc của mình, đừng dành thời gian vào những thứ không cần thiết.
- Nhiều bạn trẻ thích nghệ thuật bây giờ sẽ nghĩ theo nhạc cổ điển khó có thu nhập tốt, từ cát-xê đến số lượng show. Chị có nghĩ như vậy?
- Ít hay nhiều tùy vào suy nghĩ của mỗi người. Với tôi, mình lao động hay đi dạy, đi hát thì cuộc sống cũng khá ổn nếu chăm chỉ. Với nghề này nó là đam mê nên không thấy mệt. Nếu cứ nghĩ phải kiếm nhiều hơn nữa thì khó. Bản thân tôi thấy hiện tại cuộc sống của mình đang rất tốt, mình sống được với nghề.
- Trên con đường theo đuổi đam mê ấy, giai đoạn nào khó khăn nhất với chị?
- Khó khăn nhất là lúc tìm đường ra để định hình và tìm được ra nó là cái khó nhất. Quyết tâm, sau đó cũng bị dao động. Khi ấy năm thứ 2, thứ 3 mình học ở Nhạc viện. Các bạn học chuyên ngành khác đã đi hát ở phòng trà, ở các quán. Tôi thì không đi, vì mình cũng bận học cùng lúc 2 trường, bên Nhạc viện và trường Đại học Ngoại ngữ. Sau này sang Ý rồi cũng bận. 1 ngày học 8 tiếng, may mắn mình còn có 2 tháng học tiếng ở Việt Nam trước khi sang đó. Có lúc học nhiều quá cũng stress, trầm cảm luôn. Lúc về Việt Nam thì lại bận con, bận dạy, bận làm concert… lúc nào cũng trong guồng quay công việc.
Nữ ca sĩ thừa nhận có những khó khăn trên con đường theo đuổi nhạc cổ điển nhưng không từ bỏ đam mê
- Có lần khi hợp tác cùng chị Mỹ Linh, chị nói bị “đàn chị” chê: "Chỗ này cô Hiền hát còn yếu đuối quá, phải hát mạnh mẽ hơn nữa". Những lời chê tác động tới chị như thế nào?
- Không sao đâu, trong cuộc đời phải biết nghe những lời chê. Ngay cả trong lời chị Mỹ Linh, không phải chị chê mà là chị góp ý. Khi lời góp ý đúng, mình nên biết lắng nghe. Ở mỗi một dòng nhạc sẽ có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Điều quan trọng là biết phát huy điểm mạnh tới đâu.
- Đã bao giờ vì những lời chê, lời góp ý đó khiến cho chị bật khóc?
- Khóc thì nhiều lắm. Vì cái nghề này, không có những lúc khóc thì không phát triển được đâu. Không có nước mắt không thể thành công được. Phải có lời chê, lời góp ý, mình mới tiến bộ được. Chính những lời khen đôi khi lại giết chết mình như kiểu: “Ôi, em hát hay nhất Việt Nam”. Mình sống bằng lời khen như thế thì chỉ giậm chân tại chỗ.
- Cám ơn chị về những chia sẻ!